Đọc sách để khôn hơn, để không bị xã hội lừa, để thông thạo kiến thức mà đứa khác phải bỏ cả năm trời đi thu nhặt, để chọn công việc mình thích, hay để trở thành gã trai thú vị nhất giữa đám đông. Có điều bạn có đọc đủ nhanh để vừa nắm bắt tinh hoa của cuốn sách, vừa giữ chúng mãi trong đầu? Chìa khoá nằm ở 3 phương pháp đọc sách nhanh hiệu quả tôi sắp chia sẻ.
Ba cuốn sách mỗi tuần. Đọc như chơi game. Đọc đến đâu, hiểu đến đấy. Nếu bạn thật sự muốn biết làm thế nào thì câu trả lời đã có ở dưới đây.
Đọc để nhớ
Trước hết, tôi muốn hỏi bạn một câu: Bây giờ, bạn còn nhớ những gì từ cách đây hàng năm, thậm chí hàng chục năm. Điều gì còn đọng lại nhiều nhất trong óc bạn. Là chữ nghĩa, ký tự, số má, hay là những khuôn mặt và khoảnh khắc?
Bạn có thể quên rất nhiều bài học, tài liệu, nhưng bạn sẽ không bao giờ quên những hình ảnh quen thuộc đã đi vào lòng bạn. Bởi vì hình ảnh là ngôn ngữ của não bộ
Cuốn sách là một cuốn phim
Đọc sách – cũng như mọi quá trình lưu trữ thông tin khác đều không ngoại lệ. Đó là lý do tại sao bạn cần vận dụng hình ảnh và cảm xúc thật nhiều nếu như muốn “nuốt trọn” cả chương sách vào đầu.
Tóm lại, hãy đọc theo hình ảnh. Đừng đọc theo chữ nghĩa.
Dưới đây là một ví dụ cho bạn dễ hiểu. Giả sử bạn đọc câu này trong sách:
“Ông lão người Anh ăn món phở tuyệt vời nhất Hà Nội”
Các hình ảnh bạn có thể bắt đầu đó là “Ông lão người Anh”, “món phở tuyệt vời”, “Hà Nội”.
Nghĩ đến ông lão người Anh, trong đầu bạn xuất hiện một ông lão mũ bê rê, tay tẩu thuốc, râu quai nón, comple cavat, giày da, vali vuông in hình cờ Anh Quốc.
“Món phở tuyệt vời”? Là “nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt với hành tây đủ cả”… (Thạch Lam).
“Hà Nội” là thành phố với những con người có trình độ lái xe mô tô điêu luyện.
…
Vậy là chỉ cần làm quen, 1 câu với 3 hình ảnh, 3 cảm xúc xuất hiện trong đầu bạn trong thời gian xấp xỉ 3 giây. Cứ như vậy, nội dung của quyển sách sẽ giống như một cuốn phim. Trực tiếp đi vào trong bộ não bạn. Không hề nhàm chán và trừu tượng.
Nghe có vẻ điên rồ, nhưng thực chất, phương pháp đọc nhanh hiệu quả bằng vận dụng hình ảnh sẽ giúp bạn tiếp thu và lưu trữ kiến thức trong thời gian ngắn nhất.
Loại bỏ giọng đọc trong đầu
Một thói quen được hình thành từ thời còn vỡ lòng. Chúng ta được dạy đánh vần, đọc thành tiếng, và khi đã lớn, chúng ta đưa tiếng nói ấy vào trong đầu. Người ta bảo cái gì lặp đi lặp lại 90 ngày trở lên sẽ đi vào tiềm thức. Huống chi chúng ta đã dùng cách này cả chục năm, suốt quãng đời đi học.
Thế nhưng, nếu tôi nói rằng, chính giọng đọc trong đầu đang làm chậm tốc độ đọc của bạn và ngăn cản bạn tiếp thu lượng kiến thức khổng lồ của nhân loại, thì bạn có tin không? Tốc độ tiếp thu hình ảnh của não bạn nhanh hơn nhiều nếu như bạn hướng mắt vào một cụm từ hay hình ảnh thay vì từ. Như ở câu trên: “Ông lão người Anh”, “món phở”, “Hà Nội”. Đúng 3 cụm từ, mỗi cụm từ là 1 hình ảnh, mỗi hình ảnh mất chưa đến 1 giây.
“Ừm”
Nhiều bạn bảo với tôi “Anh ơi, em không muốn mà giọng đọc thầm nó cứ lâm râm trong đầu. Không dập tắt được”. Vậy thì để tôi chỉ cho bạn phương pháp đọc nhanh hiệu quả, khử giọng đọc thầm thần thánh mang tên “Ừm”.
Đơn giản, sau khi đọc mỗi hình ảnh, bạn chỉ cần đọc thầm một từ gì đó. Não không thể làm 2 việc một lúc nên giọng đọc thầm theo phản xạ sẽ được giảm bớt. Ở đây, tôi dùng chữ “ừm” sau mỗi câu (đọc thầm) để giúp mình khử giọng nói trong đầu.
Tất nhiên, quá trình khử giọng nói trong đầu không phải một sớm một chiều. Cần phải “căng não” ra rồi dần dần mới quen được.
Khi bắt đầu, đừng chú trọng tốc độ đọc!
Đây là sai lầm lớn nhất của các bạn khi tìm hiểu bất cứ phương pháp đọc nhanh hiệu quả nào. Khi chúng ta học một cách đọc mới, chúng ta bắt đầu cố gắng đọc nó thật nhanh vì chúng ta nghĩ rằng, đọc kiểu mới đương nhiên phải nhanh hơn đọc kiểu cũ.
Thế là chúng ta cố gắng lướt mắt qua cả dòng chữ, rồi cắm đầu xuống và có cảm giác như tốc độ đọc chẳng cải thiện tý nào. Đoán xem khi đó chúng ta làm gì. Bỏ cuộc?
Ban đầu, khi tập đọc bằng giọng đọc thầm, chúng ta sẽ làm gì đầu tiên?
“O nờ on, cờ on con.. u a ua, rờ ua rua huyền rùa. Con rùa”..
Khi mới học đọc theo lối cũ, 2 tiếng “con rùa” ta đọc mất bao lâu? Vậy cớ sao chúng ta bắt đầu học cách đọc mới đã cố gắng làm cho nó nhanh hơn những gì chúng ta đã học nhuần nhuyễn cả chục năm trời?
Dục tốc bất đạt
Học phương pháp đọc mới cũng phải bắt đầu từ từ, giống như đánh vần từng con chữ vậy. Ban đầu hãy học kỹ thuật cho chuẩn. Còn kể cả việc này khiến cho bạn chậm cỡ nào thì hãy yên tâm. Khi nhuần nhuyễn, tốc độ tăng lên là điều tự nhiên. Không cần cố nó cũng tăng.
Trước hết, từ tốn khoanh vùng hình ảnh. Tưởng tượng từng hình ảnh một, thật nhập tâm. Hít một hơi, tưởng tượng một hình ảnh. Uống một ngụm trà giải lao. “Ừm” một tiếng. Rồi lướt mắt đến hình ảnh kế tiếp.
Hãy nhớ rằng: Không thiếu phương pháp đọc nhanh hiệu quả có đầy trên mạng, nhưng nếu bạn nóng lòng cầu tốc độ, thì có làm theo phương pháp nào cũng chỉ nhanh nản và bỏ cuộc mà thôi.
Phương pháp đọc sách nhanh hiệu quả – Thay lời kết
Đọc sách là một thú vui. Bạn có phương pháp đọc nhanh hiệu quả tuyệt vời thì cũng vứt nếu như bạn không thực sự muốn đọc và thích đọc. Hãy dành riêng cho mình một căn phòng yên tĩnh nhất có thể. Một cuốn sách. Một ly nước. Đóng cửa lại, tắt chuông điện thoại, tắt mọi thứ có khả năng ngắt nguồn tư duy của bạn trong 15 phút sắp tới. Và bước chân vào thế giới mở ra trước mắt.
Còn nếu như bạn đang lướt mắt qua từng chữ một, và than phiền rằng “Mình đọc mãi chẳng hiểu gì“, thì theo cách phê bình của anh V An., bạn mới chỉ đang “nhìn chữ trong sách”. Còn đọc, nghĩa là chìm vào trong sách, đắm mình trong bộ phim bạn tưởng tượng ra. Tất nhiên, có những cuốn sách học thuật nhiều lý thuyết suông, bạn cần nắm được ý chủ đề ở đầu sách cũng như đọc lại 1 2 lần tuỳ đặc điểm của kiến thức trong sách.
Nhưng tôi tin chắc, chỉ với 3 phương pháp đọc nhanh hiệu quả tôi vừa chia sẻ, cùng một đôi tuần thực hành, tốc độ đọc của bạn sẽ được nâng lên một tầm cao mới!
Chào thân ái người anh em,
Phong Le.