Một người thú vị hay một người nói chuyện hay nhất không phải là người nói nhiều nhất. Tôi nhận ra điều này từ những trải nghiệm của bản thân, bằng cách chiêm nghiệm lại sau khi đọc cuốn sách Đắc Nhân Tâm. Một cuốn sách thực sự kinh điển về thu phục lòng người.
Đây thực sự là may mắn đối với tôi từ khi thực hiện thói quen đọc sách của mình. Tôi cùng những người bạn, người anh và cũng là những tác giả của Blog Tôi Sống này. Chúng tôi hỗ trợ và giúp mỗi người cùng phát huy tiềm năng ẩn sau lớp sương mù chưa được khai phá. Nơi mỗi người còn tự giấu đi cái tốt đẹp nhất của bản thân mình.
Như trước đây mỗi khi nói chuyện với ai, tôi thường hay nhảy vào cổ hay chặn họng ngay lập tức nếu nghĩ ra cái gì hay ho hơn. Nếu có sự bất đồng quan điểm thì tôi sẽ bảo vệ mình đến cùng cho dù có sai mấy đi chăng nữa. Tôi cứ nghĩ mình phải nói thì họ mới biết mình nói giỏi, mình thông minh. Nhưng có vẻ sự thật không phải như vậy, mọi người bắt đầu hạn chế tiếp xúc và nói chuyện với tôi. Như có điều gì mách bảo, tôi biết mình đã sai lầm trong cách đối nhân xử thế. Tôi quyết định mình phải thay đổi, để trở nên tốt hơn từng ngày.
Tôi Sống ra đời như một cái duyên vậy, nơi mà gắn kết những người có chung chí hướng lại với nhau. Những người có chung mục đích cuộc đời, trở thành một người đàn ông thực thụ. Tinh thế trong giao tiếp, được lòng mọi người xung quanh và làm những trái tim phụ nữ rung động.
Để trở thành một người nói chuyện hay nhất, bạn không cần phải trở thành một người nói nhiều.
1. Hãy lắng nghe:
Với một chút kiến thức nhỏ nhoi cùng với sự nông nổi của mình trước đây, tôi luôn đặt mình vào chỗ của người biết tất cả. Rất hiếm khi tôi nghe ai đó nói hết điều gì, thay vào đó tôi thường nhảy vào cổ họ. Tôi đưa ra quan điểm của mình mà không cần quan tâm họ có muốn lắng nghe hay không. Tôi chỉ quan tâm tới mình, một sự ích kỷ đến vĩ đại.
Sau đó, tôi biết được một bí mật rất đỗi đơn giản để trở thành người nói chuyện hay mà không phải ai cũng biết. Đó là, hãy lắng nghe. Một vài người sẽ nói: “Lắng nghe thì ai chả làm được, thế mà tưởng bí mật gì ghê gớm lắm chứ”. Tôi đồng ý, nó đơn giản nhưng không dễ thực hiện. Hãy nhớ lại những cuộc trò chuyện trước đây của bạn, với đồng nghiệp, bạn bè, người thân, v.v… Đã bao lần bạn cắt lời người khác vì quá hứng thú với những gì vừa bật ra trong đầu, tưởng chừng nó là thứ hấp dẫn nhất, còn hơn cả những gì người kia đang nói.
Một bí mật thực sự ẩn chứa trong cách chúng ta thực hiện. Không chỉ đơn thuần là lắng nghe, hãy nghe bằng cả đôi mắt lẫn đôi ta, hãy lắng nghe bằng cả tấm lòng. Lúc đó, bạn sẽ trở thành một người nói chuyện hay nhất.
Người nói chuyện với bạn, họ có thể cảm nhận được sự quan tâm của bạn tới đâu. Thông qua cách mà bạn lắng nghe, họ biết bạn có thực sự để ý những gì họ đang nói hay không. Quyết định ngừng nói và bỏ đi của họ trong tức tối hoàn toàn phụ thuộc vào bạn, người lắng nghe.
2. Luôn mỉm cười:
Như một câu tôi rất thích: “Hãy cười khi bạn còn đủ răng”. Một câu nói cũng hết sức đơn giản nhưng lại vô cùng ý nghĩa. Ý nghĩa đến đâu thì còn xem bạn có thực sự để tâm tới nó hay không.
Bạn tin một nụ cười có thể xóa đi mọi khoảng cách? Bạn có thấy một nụ cười có thể làm liền một vết thương? Bạn có nghĩ một nụ cười có thể cứu rỗi một linh hồn ủ dột? Không gì có sức mạnh lớn bằng một nụ cười, xuất phát từ đáy lòng. Tôi không gọi một cái nhếch mép là cười. Tôi không bảo một cái nhe răng là vui vẻ. Tôi chỉ muốn bạn, hãy cười từ trong lòng.
Một cái nhếch mép, nhe răng gượng gạo của người khác khi nghe chuyện cười của bạn? Bạn có thấy anh ta đang vui? Bạn có thấy mình vui? Bạn có muốn kể tiếp? Bạn nghĩ anh ta có tiếp tục muốn nghe?
Cười giả thì không khó, nhưng để có một nụ cười đem đến cho người khác niềm hứng khởi, sự hạnh phúc thì không phải là dễ. Tất nhiên không gì là không thể, bạn cần luyện tập hàng ngày thì mới có thể làm được. Nhưng nó phải xuất phát từ TÂM, nếu tâm không toàn thì làm việc gì cũng hỏng.
Một cái mà tôi học được từ cuốn sách Đắc Nhân Tâm, hãy luôn mỉm cười bất cứ khi nào. Hãy làm một ví dụ lấy luôn trong cuốn sách nhé: Gọi điện thoại cho bạn bè hoặc người thân hai lần.
- Cuộc gọi đầu tiên thì không cười, nói chuyện với giọng điệu bình thường.
- Cuộc gọi thứ hai hãy cười thật tươi trong suốt cuộc trò chuyện, nhưng không cần phải ra tiếng.
Để cùng xem sự khác biệt giữa hai cuộc gọi như thế nào nhé? Bạn có thấy cuộc nói chuyện diễn ra lâu hơn, vui vẻ và thoải mái hơn? Bạn có nghĩ người bên kia cảm thấy vui tươi khi bạn cũng làm như vậy với họ?
Đừng tiếc khi cho đi nụ cười, bạn sẽ nhận lại được những thứ tuyệt vời hơn, sự hạnh phúc.
3. Khuyến khích nói những thứ về bản thân họ, không phải của bạn:
Tôi biết bạn có vô số thứ để kể, ai cũng vậy, ai cũng muốn kể chuyện của mình đến nỗi chả ai muốn nghe. Nhưng bạn còn nhớ điều số 1 ở bên trên kia? Hãy lắng nghe để trở thành người nói chuyện hấp dẫn nhất. Khi lắng nghe người khác nói, bạn sẽ có vô số thứ để nói chuyện và kết nối với họ.
Áp dụng vào việc nói chuyện với một cô gái mới quen. Ban đầu, bạn sẽ không biết gì về cô ấy, đời tư cũng như sở thích. Bạn mù mờ và lo sợ khi nói chuyện không biết phải nói gì. Nhưng chỉ bằng cách hỏi những câu hỏi thú vị liên quan đến sở thích cũng như đam mê, cô ấy sẽ nói đến khi bạn không muốn nghe nữa thì thôi. “Xin hãy nhớ rằng, những người bạn đang trò chuyện đều quan tâm đến chính họ, ước muốn của họ, những vấn đề của họ gấp trăm lần việc quan tâm đến bạn và những vấn đề của bạn“.
Nhớ điều này mỗi khi trò chuyện, bạn sẽ không phải mất công đi hỏi những chuyên gia tán gái những câu như: “Chọn chủ đề gì khi nói chuyện với con gái?”, “Làm thế nào để nói chuyện hấp dẫn?”, “Phụ nữ muốn đàn ông nói gì?”. Bạn chỉ cần nghĩ đơn giản, không nói chuyện của mình, chỉ ngồi nghe và tập trung vào những gì họ nói rồi từ đó đưa ra những câu hỏi khơi gợi họ tiếp tục. Chỉ cần thế thôi là bạn đã chiếm trọn được trái tim họ cũng như sự thích thú khi nói chuyện cùng bạn.
Khi mà những người biết lắng nghe gần như đã không còn nhiều rồi, bạn sẽ là 1% khác biệt. Khác biệt là gì? Nó là con đường đến thành công.
4. Hãy đọc sách:
Bạn sẽ tự hỏi: “Đọc sách thì có liên quan gì tới nói chuyện hay?”. Bạn hỏi rất chuẩn rồi đấy, đó là cái mấu chốt của vấn đề. Mục tiêu đọc sách của bạn để làm gì? Tôi thì đọc sách cho ngôn từ mình nói hay hơn, hiểu biết nhiều hơn để có thể tiếp được mọi chủ đề với bất kỳ ai. Từ ngày viết Blog Tôi Sống, cùng với việc xây dựng thói quen đọc sách, tôi thay đổi rất nhiều. Từ cách dùng từ, vốn hiểu biết, thông minh trong cách ứng xử cũng như được lòng mọi người.
Giới thiệu đến bạn:
Có một cuốn sách mà ở phần đầu tôi đã nói, bạn nhớ tên cuốn sách đó chứ? Phải, nó là Đắc Nhân Tâm – một cuốn sách trên cả tuyệt vời. Ở đó bạn có thể học được cách để được lòng mọi người mà không thiệt phần mình.
Trước đây khi chưa đọc cuốn sách này, tôi nghĩ nó thật nhạt nhẽo và chắc gì đã học được gì từ nó. Nhưng tôi đã nhầm, nhầm to là đằng khác bởi vì lúc đó tôi chả biết gì cả. Mà một kẻ không biết thì thường cho rằng mình biết tất cả, là tôi đấy. Không có gì đáng xấu hổ khi nhận những lỗi lầm của mình, đó là một bí mật rất thú vị mà tôi đã học được trong cuốn sách Đắc Nhân Tâm. Bạn có muốn biết thêm 100 bí mật tuyệt vời nữa ở trong cuốn sách đó nữa không?
Ông ấy đã mở mang cho những cái đầu ngu muội con đường sáng hướng tới sự thấu hiểu con người. Cầm trên tay một cuốn sách thực sự, bạn sẽ thấy là mình thực sự đang đọc, chứ không phải đang nhìn.
Tôi rất biết ơn và cảm kích những người đã ở đây, luôn luôn ủng hộ Tôi Sống. Với tất cả sự chân thành, tôi xin cảm ơn bạn.
Thân ái người anh em,
V An.