Cách đối nhân xử thế như nào để hợp lòng người mà không thiệt phần mình là một câu hỏi khó khăn với nhiều người. Có những quy tắc dù rất khô khan nhưng nếu bạn biết áp dụng nó một cách mềm dẻo, bạn sẽ có khả năng thu phục lòng người.
Trong bài viết này, tôi sẽ chỉ đề cập đến các quy tắc đối nhân xử thế để trong mắt mọi người bạn luôn là một anh chàng nhã nhặn và được yêu mến.
1. Không tranh cãi và chỉ trích người khác:
Nhiều người biết điều này là sai trái và không nên làm, nhưng họ vẫn cứ làm. Một lý do đơn giản để giải thích cho điều này. Đó là, họ bị bản năng thôi thúc làm điều đó, một cách không tự chủ. Việc chỉ trích và phản bác ý kiến của người khác, hay việc buộc tội họ là một điều rất dễ dàng. Đôi khi cãi cùn hay dùng những câu ngụy biện cũng là cách họ thường làm.
Tranh cãi với người khác chưa bao giờ là một ý hay để thuyết phục họ. Nó cũng chưa bao giờ là cách để thể hiện cho người khác thấy mình thông minh và khiến họ nghe theo. Thực tế, đây là cách để chúng ta có thể tạo thêm nhiều kẻ thù, những người ghét bạn cho đến cuối đời.
“CÁC GIẢI QUYẾT TRANH CÃI TỐT NHẤT LÀ ĐỪNG ĐỂ NÓ XẢY RA”
Nhưng may mắn làm sao, khi bạn biết được tác hại vô cùng lớn của việc cãi cọ. Nên thay vì làm điều đó, hãy lắng nghe quan điểm của họ. Hãy để chọ họ trải lòng, nói hết những gì đang nghĩ rồi cuối cùng họ cũng sẽ lắng nghe lại bạn, theo một cách trân thành nhất. Giống như cách mà bạn đã đối xử với họ lúc trước vậy.
Việc chỉ trích người khác sẽ khiến họ nổi khùng lên. Rồi thay vì hợp tác với bạn như lúc trước, họ sẽ bảo vệ ý kiến của họ cho tới cùng, dù nó có sai đến đâu chăng nữa. Giống như bị tung 2 quả đấm vào mặt, họ sẽ đáp trả lại giống như vậy.
2. Hãy tôn trọng người khác và đừng làm họ bẽ mặt:
Như bất kỳ ai, chúng ta luôn muốn được công nhận, tầm quan trọng của bản thân cũng như sự thông minh của mình. Không ai muốn nhận mình kém cỏi, và đó chính là lý do khiến chúng ta sẵn sàng dìm người khác để đẩy mình lên cao hơn.
Nhưng không phải tất cả, như đã nói chúng ta thường hành động theo bản năng. Chúng ta thường nhìn vào sai lầm của người khác để đánh giá hay chỉ trích họ. Điều này khiến họ bẽ mặt và tức giận vì đã bị chạm vào sự tự hào, niềm kiêu hãnh cũng như trí tuệ của mình.
Lúc đó dù có cố giải hòa bằng cách nào đi nữa thì mọi nỗ lực đều vô ích. Và đó là sai lầm cần tránh để không gây ra những điều đang tiếc. Thay vì hành xử như vậy, tại sao bạn không chọn cách giữ thể diện cho người khác, chính họ sẽ biết ơn bạn vì điều này.
Lấy ví dụ là những cặp đôi đang yêu nhau, người kia sẽ làm gì khi phát hiện bạn trai/ bạn gái mình ngoại tình? Hầu hết chúng ta sẽ nổi giận, một số sẽ truy lùng kẻ thứ 3 và cho hắn ta/ cô ta một trận nhớ đời. Hoặc một số thì chửi bới hay đánh đập người yêu nơi đông người. Bạn nghĩ người kia sẽ muốn yêu thương hay quay lại với người mà vừa “hạ nhục” mình như vậy không? Biết bảo vệ danh dự cho người khác cũng là cách để thu phục lòng người, một cách đối nhân xử thế tuyệt vời.
3. Biết cách đặt mình vào hoàn cảnh của người khác:
Không có cách đối nhân xử thế nào thông minh hơn cách đặt mình vào người khác. Để cảm nhận, thấu hiểu cũng như có cách ứng xử phù hợp. Khi bạn hiểu người khác đã trải qua những gì, bạn sẽ đồng cảm hơn với họ. Nếu bạn hiểu họ đang mong mỏi điều gì, bạn sẽ có thể cho họ điều đó, hoặc chí ít cũng giúp được gì đó có ích.
Những điều này chỉ có được khi bạn biết lắng nghe, bằng cả tấm lòng. Để thấu hiểu được một con người không quá khó nhưng không phải là dễ dàng gì. Nó đòi hỏi phải có một cái TÂM và sự kiên nhẫn lắng nghe người khác. Nếu bạn bỏ ngoài tai những gì họ chia sẻ, tức là bạn cũng đã bỏ mất đi cơ hội để thấu hiểu họ.
Lúc trước tôi sống theo châm ngôn “I don’t give a fuck” (tôi không quan tâm), và giờ tôi biết nó sai lầm. Sai lầm ở chỗ, tôi không tin vào bất cứ ai cũng như những gì họ nói. Tôi chỉ tin một người, đó là chính bản thân mình. Không lắng nghe ai nói cả, tôi nghĩ mình biết tất cả những gì mình cần biết rồi. Và đó là lý do tôi cứ ì ạch mãi không tiến bộ được.
Từ ngày tôi biết tới những cuốn sách về phát triển bản thân, tôi thay đổi rất nhiều. Từ cách ứng dụng nó vào cuộc sống để đạt được những thứ mình muốn, không nhiều nhưng cũng đáng tự hào. Rồi đến việc thấu hiểu chính mình, cái đích thực sự của cuộc sống.
Lời kết để trở thành một người thông minh trong cách đối nhân xử thế:
Sự giả tạo không bao giờ mang đến những kết quả thật. Và nó không bao giờ được sự đồng tình và đánh giá cao của mọi người. Muốn đạt được sự tinh thế trong cách đối nhân xử thế, mọi thứ phải xuất phát từ tâm.
Đoạn trích từ bài viết “Tuyệt học tại tâm” của Ecoblader:
“Đắc nhân tâm (Dale Carnegie) thường được mọi người xem là quyển bí kíp lấy lòng người, vô địch thiên hạ. Gọi tên người đối diện, hay rót cho người đối diện niềm tự hào, tất cả những chiêu thức này được gói gọn thành bộ và được lưu truyền rộng rãi, không khác gì võ công Thiếu Lâm khi xưa.
Tuy nhiên, đa số đều chỉ học phần ngọn mà quên đi phần gốc: Đắc nhân tâm về bản chất là những công cụ để một con người thật tâm có thể biểu lộ sự chân thành của mình ra ngoài (bởi sự chân thành không được biểu lộ sẽ không có giá trị bằng sự chân thành được biểu lộ rõ ràng).
Vậy vấn đề nằm ở chỗ, muốn học Đắc nhân tâm, trước tiên phải giữ trong mình lòng từ bi, sự thật tâm làm gốc. Sự thật tâm ấy thông qua các công cụ Đắc nhân tâm sẽ phát tiết ra ngoài, từ đó tạo hiệu quả cho bản thân người dùng và những người xung quanh.”
Chào thân ái và quyết thắng,
V An.