spot_img

Latest Posts

Ý chí là gì? Thật ra bạn có nó hay không?

Đã bao giờ bạn tự hỏi “Ý chí là gì” chưa? Hàng ngày, chúng ta liên tục nhắc đến “ý chí”. Nhìn thấy ai đó thành công, chúng ta vẫn nói: “Anh ấy có ý chí”. Khi thất bại trong sự nghiệp, chúng ta nói: “Tôi không đủ ý chí”.

Các nhà khoa học nổi tiếng đã nhận ra tầm quan trọng của ý chí. Ngay lập tức, họ xắn tay áo lên nghiên cứu xem, thật ra, ý chí là gì? Để từ đó rút ra liều thuốc tạo ý chí cho nhân loại sử dụng để thành công trong mọi việc.

Bạn muốn biết kết quả của đề tài nghiên cứu này chứ?

Thí nghiệm “Bánh quy và Củ cải”

Các nhà khoa học đưa rất nhiều người với đủ mọi giới tính, độ tuổi, sắc tộc khác nhau vào một căn phòng. Trong phòng, mùi hương của bánh quy mới ra lò thơm ngào ngạt, kích thích vị giác của tất cả mọi người. Trên một cái bàn giữa căn phòng, người ta đặt 2 cái bát.

Trong đó, một bát chứa đầy bánh quy bơ nóng giòn, bát còn lại chứa đầy củ cải trắng. Một nửa số người tham gia thử nghiệm được cho ăn 2 -3 chiếc bánh quy và không ăn củ cải. Nửa còn lại được cho ăn 3 củ cải, tuy nhiên họ không được ăn bánh quy. Tất cả những người tham gia được đề nghị nhịn ăn bữa sáng trước khi làm thử nghiệm.

Rồi tất cả các nhà nghiên cứu rời đi, để lại cả 2 nhóm người ở lại phòng. Tại sao họ rời đi? Bởi vì họ muốn khơi dậy bản năng cám dỗ bên trong những người chỉ được ăn củ cải tới thách thức ý chí của họ. Họ đang rất đói. Và họ muốn ăn bánh quy!

Ý chí là gì
Ý chí là gì

Kết quả:

Tuy nhiên, mặc cho cám dỗ, chẳng có ai ăn vụng bánh quy cả. Đó là sức mạnh của ý chí đang hoạt động chống lại cơn đói.

30 phút sau, các nhà khoa học quay trở lại, bảo với tất cả mọi người rằng cuộc thử nghiệm đã chính thức kết thúc. Và ngay lập tức, một đoàn nghiên cứu khác bước vào. Họ đề nghị mọi người cho họ tiến hành một thí nghiệm thứ 2. Đây mới là mấu chốt của vấn đề.

Thí nghiệm “Xếp hình”

Thí nghiệm thứ 2 được coi như không liên quan gì đến thí nghiệm đầu tiên. Các nhà khoa học phát cho 2 nhóm người 2 bộ đồ chơi xếp hình rồi bắt họ giải, và bảo họ đây là thử thách trí thông minh. Nhóm nào hoàn thành trước sẽ được thưởng một số tiền lớn.

Thế nhưng, cả 2 nhóm đều không biết rằng, bộ xếp hình thực chất là một bài toán không có lời giải. Những gì các nhà khoa học muốn đánh giá, đó là trước khi bỏ cuộc, mỗi nhóm sẽ kiên trì xếp hình trong bao lâu.

Kết quả:

Nhóm ăn bánh quy khi nãy thử tổng cộng 34 lần và mất 19 phút cố gắng xếp hình trước khi đầu hàng. Trong khi đó, nhóm ăn củ cải trắng chỉ thử đến lần thử 19 và bỏ cuộc chỉ sau 8 phút đồng hồ!

Tại sao những con người ban đầu tưởng chừng như có ý chí lại nản lòng dễ dàng như vậy?

Câu trả lời vô cùng đơn giản:

Sức mạnh ý chí của họ đã cạn kiệt.

Vậy ý chí là gì?

Sau nhiều nghiên cứu tương tự như trên, các nhà tâm lý học đã đưa ra kết luận:

Ý chí là một nguồn năng lượng hữu hạn. 

Nguyên lí hoạt động của sức mạnh ý chí không khác gì chúng ta đi tập gym. Những lượt đẩy đầu tiên bao giờ cũng dễ dàng, nhưng một thời gian sau, chùng ta dần dần cạn kiệt sức lực. Cho đến khi không thể nào nâng thêm cân tạ nào nữa.

Động lực và thói quen

Giờ bạn thử kiểm chứng kết luận trên trong những điều xảy ra hàng ngày. Bạn đã bao giờ dự định làm gì đó lớn lao? Tự khởi nghiệp? Tự học một ngành mới? Tự chơi một nhạc cụ? Tự đi gym? Rồi sau 1 tuần, nửa tháng, bạn vấp váp, không kiên trì nổi, rồi bỏ cuộc. Đó là khi ý chí bạn “hết xăng” rồi đấy.

Ý chí bao gồm 2 phần: động lực ban đầu và thói quen. Động lực giống như cú đá vào mông. Nó khiến bạn bay nhanh, nhưng không bay được xa. Để bay được xa, bạn cần có thói quen. Thói quen là phần có thể luyện tập được. Sức mạnh ý chí của bạn càng lớn, bạn càng giữ được thói quen lâu.

Ý chí là gì
Ý chí là gì

Một ngày đẹp trời, An đi trên đường bỗng nhìn thấy một gã cao to cơ bắp cuồn cuộn, cặp với một em gái chân dài. An phát hờn, quyết chí xách mông đến phòng tập. Đó là động lực.

Sau 1 tuần, có những ngày An bị công việc, cuộc sống đánh vật. An chỉ muốn nằm nhà cho sướng. Nhưng An vẫn đi tập, chỉ bởi vì An đi tập thôi không có lý do gì cả. Đó là thói quen.

Để tăng sức mạnh ý chí, chúng ta cần tập trung vào thói quen.

Dây xích

Tiếp tục với ví dụ của anh An.

Ngày 1: An hừng hực ý chí đi tập. Mục tiêu là thân hình cơ bắp cuồn cuộn “vạn người mê”.

Ngày 5: An cảm thấy mệt mỏi, cơ bắp đau nhức, chẳng muốn đi. Anh toan nằm vật xuống giường, bật điều hoà, ti vi lên xem. Nhưng sau một hồi lâu đầu tranh tư tưởng không ngừng, anh An vẫn cố gắng bước chân đến phòng tập.

Ngày 10: Đã 9 ngày trôi qua. Ngày nào cũng đi tập. An cảm thấy hãnh diện vì 9 ngày liên tục tập luyện. Chắc hẳn cơ thể anh An đã khác xưa ít nhiều rồi. Hôm nay An vẫn thấy mệt mỏi. Nhưng chả lẽ vì mệt mà bỏ mất chuỗi 9 ngày hoàn hảo vậy? Thế là An xách mông đi tập.

Theo bạn, ngày 5 và ngày 10, ngày nào dễ dàng với ý chí của An hơn?

Đây là cơ sở của phương pháp “dây xích”. Mỗi ngày hoàn thành thói quen, bạn có thể đánh dấu một “mắt xích” chiến công lên quyển lịch nhà bạn.

Khi nào bạn nản lòng, muốn đầu hàng, chỉ cần nhìn vào “dây xích” bạn tạo ra trên lịch. Dây xích càng dài, bạn càng có động lực. Ý chí của bạn càng được tiếp thêm nhiên liệu.

“Hãy tiết kiệm”

Bây giờ, chiếc xe của bạn có một bình xăng đầy ắp. Bài toán ở đây là sử dụng bình xăng ấy càng lâu càng tốt để đi được một quãng đường dài. Cách giải quyết vấn đề mà ai cũng có thể nghĩ ra lúc này chỉ có một: Tiết kiệm xăng.

Ý chí của bạn, thật ra cũng giống như bình xăng ấy. Không phải lúc nào chúng ta cũng tràn đầy động lực để “đổ xăng” đầy bình trở lại. Ngay từ đầu, bạn tiêu tốn nó cho những thói quen khó thực hiện, hay những công việc đẹp đẽ và lớn lao. Thì chẳng mấy chốc, bạn sẽ bỏ cuộc vì quá khó để gắn bó với chúng trong thời gian dài.

Ý chí là gì
Ý chí là gì

Còn nếu mỗi ngày, bạn chỉ đi vài bước, sử dụng một chút sức mạnh ý chí. thì bạn sẽ kéo dài được hành động của mình. Bạn sẽ được xa hơn, nhanh hơn và không bao giờ phải ngồi một chỗ, tự hỏi mình “Ý chí là gì” nữa.

Hành động lặp đi lặp lại tạo ra thói quen.

Thói quen lặp đi lặp lại tạo ra tính cách.

Và tính cách làm nên con người.

Giả sử, nếu bạn đặt cho mình mục tiêu tập gym. Mỗi ngày, việc lê xác đến phòng gym cả tiếng đồng hồ giống các anh tập lâu năm là một cực hình đối với bạn. Thì tại sao bạn không thử dành ra 15 phút dậy sớm, 15 phút cuối ngày hay 15 phút sau giờ làm để tập những bài tập tại nhà? Cơ thể của các bạn sẽ khoẻ và đẹp lên từng ngày, trong khi sức mạnh ý chí của bạn hoàn toàn đủ để làm được điều đó.

Thay lời kết: Ý chí là gì?

Nhiều người trong số chúng ta hay có niềm tin rằng họ “không có ý chí”. Rằng trên đời có một số người sinh ra “có ý chí” hơn kẻ khác. Những người đó sẽ thành công trong những việc mình làm.

Tôi thì nghĩ rằng, ý chí trên đời này ai cũng có. Chỉ có điều, một số người biết sử dụng nó, một số người không mà thôi. Ai cũng có những lúc hết ý chí, ngã lòng và lựa chọn theo bản năng.

Bản năng là cách lựa chọn của động vật, không phải loài người.

Bởi vì đơn giản, đối với một con chó, cả đời sống theo bản năng có thể khiến nó hạnh phúc. Nhưng đối với con người, cả đời sống theo bản năng chỉ đem lại thất vọng, chán nản. Bởi vì có những điều tuy không thoải mái ngay lập tức, nhưng chúng mới thực sự có giá trị về lâu dài.

Đừng để 10 năm sau, 20 năm sau bạn nhìn lại và chỉ biết nói “giá như…

Thân ái,

Phong Lê.

P.S: Một số nội dung bí mật về tình cảm, hẹn hò, fitness mà tôi không tiện chia sẻ trên blog được update mỗi ngày tại Fanpage chính thức của Tôi Sống.

Latest Posts

spot_imgspot_img

Don't Miss